Ngón tay cò súng là gì
Ngón tay cò súng hay còn gọi là ngón tay bật, ngón tay lò xo (tiếng Anh là trigger finger) là hội chứng khiến cho ngón tay bị cứng cố định ở một tư thế co hoặc duỗi. Bệnh chủ yếu tác động đến lớp mô xung quanh gân gấp ngón tay gọi là bao gân. Viêm bao gân dẫn đến gân không chuyển động một cách trơn tru, làm cho ngón tay bị khóa tại chỗ, khi cố gắng co duỗi sẽ cảm giác “bật” mạnh và đau.
Mục Lục
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của ngón tay cò súng là do tình trạng viêm bao gân và sợi gân gấp trong một thời gian nhất định nhưng không được điều trị kịp thời. Từ đó làm cho gân bị chai xơ và cứng hơn những vị trí khác, hiểu đơn giản là lúc này sợi gân không còn trơn láng và mềm mại nữa, mà nó như sợi dây bị thắt nút lại (xem hình minh họa để thấy rõ hơn).
Trong khi ròng rọc A1 là 1 vòng dây chằng không co giãn, nên lúc này nốt sần trên sợi gân chui qua ròng rọc sẽ gặp khó khăn và có thể bị kẹt. Mức độ khó khăn nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước của nốt sần đó to hay nhỏ.
Những ai thường bị bệnh
Mọi người đều có thể bị ngón tay cò súng, nhưng nó thường gặp hơn ở những người thường xuyên sử dụng ngón tay trong công việc hoặc sở thích của họ, như những người chơi nhạc cụ. Trong thực tế thì nữ hay gặp nhiều hơn nam. Thường gặp ở độ tuổi trên 30. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng phần lớn nó có vẻ có liên quan đến những công việc sử dụng tay nhiều.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu chính của ngón tay cò súng là sự đau và khó khăn khi co duỗi ngón tay, đặc biệt là khi cố gắng co hoặc duỗi mạnh. Giai đoạn đầu thì dấu hiệu thường nhẹ nhàng hơn nên nhiều người sẽ bỏ qua các dấu hiệu nhẹ.
Bệnh có nguy hiểm không
Mặc dù ngón tay cò súng có thể gây ra sự bất tiện và đau đớn và ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày, nhưng nó không phải là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy nó không được xếp vào nhóm bệnh nguy hiểm.
Những ảnh hưởng tới cuộc sống
Ngón tay cò súng có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, như việc cầm và sử dụng các công cụ. Ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày cũng như công việc. Vì trừ khi ngủ ra thì những lúc còn lại chúng ta đều phải sử dụng tới đôi tay.
Có một số trường hợp dù bị kẹt ngón tay nhưng họ để được vài tháng, cá biệt tới cả năm mà không điều trị.
Còn những trường hợp bắt buộc phải sử sụng 2 tay mỗi ngày thì thường họ sẽ đi điều trị ngay khi phát hiện (chơi đàn, làm việc trên máy tính…).
Các biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán ngón tay cò súng thông qua một cuộc khám lâm sàng, trong đó họ sẽ kiểm tra khớp ngón tay của bạn và yêu cầu bạn co duỗi ngón tay. Những trường hợp bị kẹt sẽ có biểu hiện rất điển hình khi co duỗi.
Nếu mới bị thì khi co duỗi ngón tay sẽ bị kẹt lại, khi cố gắng co hoặc duỗi sẽ nghe “bật” ở vi trí gốc ngón tay.
Trường hợp đã bị kẹt lâu, thì đa phần sẽ không co duỗi được khi kẹt mà phải dùng còn lại hoặc người khác kéo mạnh mới ra được và thường rất đau.
Các biện pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị cho ngón tay cò súng, bao gồm vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, và trong một số trường hợp, phẫu thuật.
Điều trị không cần phẫu thuật, không xâm lấn:
Với phương pháp này, bệnh nhân phải dùng liệu trình thuốc chống viêm không chứa steroid kết hợp với việc trị liệu tay, nẹp tay và điều chỉnh hoạt động1. Bắt đầu điều trị bằng cách nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10-14 ngày. Có thể dùng thuốc kháng viêm giảm đau không steroid hoặc tiêm corticoid vào màng gân.
Điều trị không cần phẫu thuật, có xâm lấn:
Với phương pháp này, cần phải tiêm trực tiếp vào vùng màng bao quanh gân gấp. Thuốc tiêm có chứa hỗn hợp chất gây tê cục bộ và chế phẩm corticosteroid. Hỗn hợp này sẽ giúp chữa viêm ở vùng mô ròng rọc A1 và giảm nhẹ bệnh ngón tay cò súng.
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật:
Đây là biện pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị không phẫu thuật không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật thường được thực hiện dưới tác dụng của thuốc mê cục bộ và có thể bao gồm việc cắt bỏ một phần của bao gân để giảm áp lực và cho phép gân di chuyển tự do. Phẫu thuật điều trị ngón tay cò súng là biện pháp nhanh và mang lại hiệu quả cao nhất, không tái phát như những phương pháp còn lại.
Các biện pháp khác
Các biện pháp này chủ yếu mang tính hỗ trợ hơn là điều trị:
Chườm lạnh: Hơi lạnh giúp giảm đau tốt, hạn chế cơn đau gây khó chịu cho người bệnh3.
Dùng thanh nẹp: Đeo nẹp ngón tay vào ban đêm giúp cố định ngón tay bị ảnh hưởng. Thời gian nẹp tối đa 6 tuần để gân được nghỉ ngơi tối đa (thường sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi hoặc người lớn chưa thể phẫu thuật).
Các phương pháp vật lý trị liệu: Như siêu âm, nhúng sáp Parafin, hồng ngoại, có hiệu quả giúp làm giảm hiện tượng viêm ở bao gân.
Các cách phòng ngừa
Để phòng ngừa ngón tay cò súng, hãy cố gắng giữ cho ngón tay của bạn linh hoạt và mạnh mẽ thông qua các bài tập ngón tay thường xuyên.
Có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ tập cho bàn tay như dụng cụ bóp tay, bóp bóng, quả bi cầu bằng đá hoặc kim loại đều được. Mỗi lần tập khoảng 15 phút, ngày tập 1 tới 2 lần sẽ giúp các khớp cũng như gân, cơ bàn tay của bạn hoạt động được tốt hơn, tránh được tình trạng viêm dẫn đến tình trạng bệnh lý này.
Kết luận
Dù ngón tay cò súng có thể gây ra sự bất tiện và đau đớn, nhưng với sự chăm sóc và điều trị đúng, bạn có thể giữ cho ngón tay của mình hoạt động một cách bình thường. Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị ngón tay cò súng hoặc đang gặp vấn đề này, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để được tư vấn và điều trị kịp thời.
3 thoughts on “Ngón tay cò súng-những điều bạn cần biết #1”